DIỄN ĐÀN A3-K49 THPT QUẢNG OAI

Nơi chia sẻ những cảm xúc của bạn
 
Trang ChínhLatest imagesĐăng NhậpĐăng ký
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI FORUM CỦA LỚP 12A3 (KHÓA 49: 2009-2012) TRƯỜNG THPT QUẢNG OAI-BA VÌ-HÀ NỘI

Share|

ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down
ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN I_icon_minitimeSun Aug 14, 2011 6:25 pm
Admin
Admin
Admin
Admin
Số bài: Admin :45
Tổng số bài gửi : 45
Points : 174
Reputation : 7
Join date : 08/08/2011
Age : 30

https://a3quangoai-k49.forumvi.com
Bài gửiTiêu đề: ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN

ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN Titleb10
ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN
ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN Titleb13
Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 38 chuyên ngành thuộc tám ngành đào tạo. Mã trường là KHA, tuyển sinh trong phạm vi cả nước. Tất cả các chuyên ngành được giới thiệu dưới đây tuyển sinh bằng khối A.
NGÀNH KINH TẾ

1. Chuyên ngành Kinh tế đầu tư

Mục tiêu của chuyên ngành này là đào tạo cử nhân kinh tế có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực lập dự án và quản lý các dự án đầu tư. SV tốt nghiệp có kiến thức cơ bản về kinh tế và quản trị kinh doanh, có kiến thức chuyên môn mới và hiện đại về quản lý đầu tư ở tầm vĩ mô và quản lý dự án đầu tư ở tầm vi mô, biết áp dụng các mô hình quản lý hiện đại trong quản lý dự án.

Đồng thời, chuyên ngành này cũng trang bị kiến thức về tổ chức và quản lý hoạt động đấu thầu tư vấn đầu tư, quản lý rủi ro trong đầu tư. Một số môn học trong chương trình đào tạo như Kinh tế đầu tư, Lập dự án đầu tư, Luật đầu tư trong nước và nước ngoài, Bảo hiểm rủi ro đầu tư, Đấu thầu, Thị trường vốn, Đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ…

Tốt nghiệp chuyên ngành này đòi hỏi người học đạt được các kỹ năng: Nắm vững thành thạo công tác lập dự án đầu tư, có khả năng tổ chức và quản lý tốt hoạt động đầu tư và quản lý dự án đầu tư, nắm vững và hoàn thành tốt công tác thẩm định các dự án đầu tư, những kỹ năng tổ chức thực hiện đấu thầu tư vấn.

Cử nhân sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đầu tư có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư như các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính, Ngân hàng và các bộ có liên quan đến hoạt động đầu tư, UBND các cấp..., các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ như các tổng công ty, doanh nghiệp, cơ quan tư vấn dịch vụ đầu tư, các cục, vụ, viện, trường ĐH, CĐ đào tạo về kinh tế.

2. Chuyên ngành Kinh tế bảo hiểm

Mục tiêu là đào tạo cử nhân kinh tế Bảo hiểm có kiến thức chuyên môn sâu về quản lý kinh tế và kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, có kỹ năng tổ chức quản lý và kinh doanh các hoạt động Bảo hiểm.

Ngoài những kiến thức kinh tế và quản trị kinh doanh nói chung, SV còn được trang bị những kiến thức chuyên sâu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thương mại và bảo hiểm thất nghiệp, kỹ năng tổ chức và quản lý lĩnh vực bảo hiểm xã hội, kỹ năng và công nghệ quản trị một doanh nghiệp bảo hiểm thương mại nói chung. Một số môn học đặc thù trong chương trình đào tạo như Quản trị rủi ro bảo hiểm, Tái bảo hiểm, Luật bảo hiểm, Môi trường và đạo đức kinh doanh

SV tốt nghiệp sẽ có các kỹ năng tổ chức xây dựng và lập được các phương án quản lý một tổ chức bảo hiểm, xây dựng các mô hình và các quy tắc triển khai bảo hiểm, thiết kế sản phẩm và tính phí bảo hiểm, nắm vững quy trình giám định và bồi thường trong hoạt động bảo hiểm, tổ chức các hoạt động quản lý đại lý và marketing bảo hiểm, thiết lập các hợp đồng bảo hiểm, tư vấn các vấn đề có liên quan đến bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại…

Sau khi tốt nghiệp ra trường, SV chuyên ngành bảo hiểm sẽ đáp ứng được nhu cầu công tác tại các cơ quan nghiên cứu và quản lý bảo hiểm như: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm xã hội VN, các viện nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ và TCCN, các văn phòng và công ty bảo hiểm nước ngoài, các liên doanh bảo hiểm tại Việt nam và nước ngoài, các công ty chứng khoán và các ngân hàng thuộc mọi thành phần kinh tế, các công ty bảo hiểm, các cơ quan bảo hiểm xã hội trong cả nước…

3. Chuyên ngành Quản lý kinh tế

Mục tiêu đào tạo Cử nhân kinh tế chuyên ngành quản lý kinh tế có kiến thức cơ bản về kinh tế, kiến thức chuyên sâu và kỹ năng quản lý kinh tế, am hiểu các quy luật chung và đặc điểm riêng của các lĩnh vực kinh tế mà mình quản lý. Các môn học đặc thù trong chương trình đào tạo bao gồm Quản lý học, Vai trò của Nhà nước trong nền KTTT, Các phương pháp định lượng trong quản lý kinh tế, Tâm lý học quản lý kinh tế, Chính sách kinh tế, Quản lý chiến lược, Lãnh đạo và kiểm tra, Nghiên cứu và dự báo, Giao tiếp và đàm phán…

SV tốt nghiệp cần đạt được các kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra ở cấp doanh nghiệp và nền kinh tế, phân tích đánh giá các vấn đề kinh tế - xã hội, sử dụng các công cụ hiện đại trong thực hiện các công việc quản lý, quản lý các dự án phát triển, quản lý các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế và doanh nghiệp, đàm phán và giao tiếp…

Tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan quản lý kinh tế các cấp (Trung ương, bộ, ban, ngành, địa phương), bộ máy quản lý doanh nghiệp, các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, tư vấn về kinh tế và quản lý kinh tế…

4. Chuyên ngành Kinh tế phát triển

Chuyên ngành này có mục tiêu là đào tạo những cử nhân kinh tế có kiến thức rộng, đồng bộ, có năng lực phân tích, hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nền kinh tế quốc dân, các ngành, các lĩnh vực các vùng và các địa phương.

Yêu cầu đối với SV tốt nghiệp là phải đạt được các kỹ năng: Phân tích, tham gia hoạch định và tư vấn thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành và lĩnh vực; quản lý các quá trình phát triển; xây dựng, phân tích, thẩm định và chỉ đạo thực hiện các chương trình và dự án phát triển; phân tích và dự báo kinh tế - xã hội; mô hình hóa tăng trưởng kinh tế; tổ chức các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các dự án phát triển với nước ngoài.

Tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, các bộ và cơ quan ngang bộ, các sở, ban ngành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các viện nghiên cứu kinh tế, các trường ĐH, CĐ và TCCN, làm việc cho các dự án phát triển kinh tế, của các tổ chức trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các vụ kế hoạch của các bộ, các sở kế hoạch của các tỉnh, các phòng kế hoạch các quận (huyện).

5. Chuyên ngành Kế hoạch

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành về chuyên môn là đào tạo những cử nhân kinh tế có kiến thức rộng về kinh tế kế hoạch cả ở tầm vĩ mô và vi mô, có năng lực hoạch định, triển khai chiến lược về kế hoạch của nền kinh tế, của các ngành, các địa phương, các tổng công ty, công ty, có nhiệm vụ xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và dự án đầu tư.

Các kỹ năng SV tốt nghiệp cần đạt được bao gồm xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển và quy hoạch phát triển, xây dựng, chỉ đạo thực hiện các kế hoạch ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, tham gia xây dựng chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội, phân tích hệ thống tài khoản quốc gia, thẩm định các dự án đầu tư phát triển, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch kinh doanh ở các doanh nghiệp.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp:Các vụ của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vụ kế hoạch của các Bộ, các ngành, các sở Kế hoạch và đầu tư của các tỉnh, phòng Kế hoạch của các quận (huyện), phòng kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ…

6. Chuyên ngành Kinh tế quốc tế

Mục tiêu đào tạo các cử nhân kinh tế quốc tế am hiểu lý thuyết và thực tiễn về quan hệ kinh tế quốc tế, về hội nhập khu vực kinh tế quốc tế của Việt Nam, nắm vững các công cụ của chính sách kinh tế đối ngoại, biết tổ chức, quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại của quốc gia cũng như của một ngành, một địa phương, một doanh nghiệp; có sự am hiểu nhất định về luật pháp và thông lệ quốc tế; nắm vững các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế.

Các kỹ năng cần đạt được: Tư vấn và hoạch định các kế hoạch kinh tế đối ngoại, điều phối hoạt động kinh tế đối ngoại tại các tổ chức xã hội, xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại tại các tổ chức xã hội, cố vấn kinh tế đối ngoại cho các tổ chức quốc tế, nghiên cứu và phân tích hoạt động kinh tế đối ngoại tầm vĩ mô…

Các cử nhân kinh tế quốc tế có thể làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến điạ phương, các Bộ, các ngành cũng như có thể trực tiếp tổ chức và quản lý các quan hệ kinh tế quốc tế của một doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các văn phòng và chi nhánh công ty nước ngoài.

SV tốt nghiệp cũng có thể làm cả chức năng của cử nhân quản trị kinh doanh quốc tế, tức là có thể làm các công việc quản trị kinh doanh ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư với nước ngoài cũng như tất cả các công việc kinh doanh có liên quan với nước ngoài.

Hoặc có thể làm tư vấn và hoạch định các kế hoạch kinh tế đối ngoại tại các cơ quan nhà nước, điều phối hoạt động kinh tế đối ngoại tại các tổ chức xã hội, xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại cho các doanh nghiệp, cố vấn kinh tế đối ngoại cho các tổ chức quốc tế, nghiên cứu và phân tích hoạt động kinh tế đối ngoại tầm vĩ mô, công tác tại các Bộ, các Sở và một số cơ quan nhà nước khác.

7. Chuyên ngành Kinh tế lao động

Mục tiêu đào tạo cử nhân kinh tế lao động có kiến thức cơ bản về quản lý con người trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, có kỹ năng, kỹ xảo quản lý nguồn nhân lực ở các cấp, các ngành, trong các cơ quan, doanh nghiệp.

SV tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ được đào tạo các kỹ năng về phân tích, đánh giá và sử dụng các nguồn nhân lực có hiệu quả, có khả năng thiết kế xây dựng và tổ chức các hoạt động lao động trong các ngành, các cấp và các cơ quan, doanh nghiệp, nắm chắc và vận dụng đúng đắn các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lao động - tiền lương.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các vụ trong Bộ LĐ-TB&XH, Vụ Lao động - tiền lương, Vụ Tổ chức cán bộ của các bộ ngành, các cơ quan trung ương và địa phương, phòng tổ chức hành chính, phòng tổ chức, lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp, công tác tại viện nghiên cứu, trung tâm khoa học hoặc giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ theo chuyên môn được đào tạo.

8. Chuyên ngành Kinh tế và quản lý môi trường

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo các cử nhân kinh tế có nền tảng kiến thức rộng và vững về kinh tế và các môn khoa học liên quan, sâu về cơ sở lý luận - phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu thực thi kinh tế môi trường và quản lý môi trường.

Những môn học cơ bản của chương trình đào tạo bao gồm: Kinh tế môi trường, Quản lý môi trường, Đánh giá tác động môi trường (EIA), Phân tích chi phí - lợi ích (CBA), Luật môi trường, Dân số và môi trường, Thống kê môi trường Hạch toán quản lý môi trường, Thương mại và môi trường, Du lịch sinh thái, Hệ thống thông tin địa lý GIS

SV tốt nghiệp phải đạt được các kỹ năng: vận hành, vận dụng những kiến thức chuyên ngành để giải quyết những vấn đề môi trường trước mắt và lâu dài xuất hiện trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển ổn định và bền vững của đất nước, có khả năng tư vấn, tham mưu cho các cơ quan hoạch định chính sách và chiến lược phát triển ở cấp quốc gia và cấp vùng, địa phương, cấp cơ sở, doanh nghiệp, khả năng đánh giá, thẩm định các tác động của môi trường, phân tích chi phí - lợi ích cho các chương trình và kế hoạch dự án đầu tư phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong nước và ngoài nước.

SV sau khi tốt nghiệp ra trường có thể công tác ở các vụ, viện nghiên cứu, cục, tổng cục trực thuộc các bộ, ngành ở Trung ương, các sở tài nguyên và môi trường, sở khoa học và công nghệ, phòng quản lý chức năng liên quan đến tài nguyên và môi trường các cấp, các trung tâm nghiên cứu và tư vấn, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế có hoạt động liên quan đến kinh tế và quản lý môi trường, kinh tế và kế hoạch hoá vùng và đô thị, các doanh nghiệp kinh doanh chất thải, công nghệ môi trường và các doanh nghiệp công nghiệp khác có tham gia ISO 14000.

Những SV khá giỏi có thể tham gia giảng dạy chuyên ngành tại các trường ĐH, các trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý của các ngành và địa phương. Đồng thời cũng có thể làm tư vấn cho các cơ quan hoạch định chính sách và chiến lược phát triển môi trường và đô thị từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở, doanh nghiệp, tiến hành thẩm định về môi trường, phân tích chi phí - lợi ích cho các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, trong nước và ngoài nước…

9. Chuyên ngành Kinh tế và quản lý đô thị

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo các cử nhân có trình độ lý luận tổng hợp và có trình độ chuyên môn sâu về nghiệp vụ kinh tế và quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, kinh tế tổng hợp về đô thị.

SV sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ cần đạt được các kỹ năng cơ bản về phân tích, xử lý tổng hợp những vấn đề liên quan tới kinh tế và quản lý đô thị, kỹ năng thẩm định các dự án đầu tư xây dựng đô thị, kỹ năng thực hành xử lý bằng máy tính các vấn đề liên quan đến kinh tế và quản lý đô thị.

Các cử nhân kinh tế thuộc chuyên ngành Kinh tế và Quản lý đô thị có thể làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội... (Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Văn phòng chính phủ...) với các nhiệm vụ như: tham gia vào việc hoạch định cơ chế chính sách quản lý đô thị, thực hiện các chức năng quản lý nhà nước đối với các vấn đề kinh tế, xã hội ở đô thị, các cơ quan quản lý đô thị ở địa phương (Sở giao thông công chính, sở quy hoạch, kiến trúc đô thị, các cơ quan tổ chức chính quyền như UBND tỉnh, UBND huyện và các cấp phường, xã...), các tổ chức tư vấn về xây dựng, phát triển đô thị, các viện nghiên cứu kinh tế, các tổ chức chuyên môn nghiên cứu về vấn đề đô thị.

Đối với những SV khá, giỏi có thể làm cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo cán bộ kinh tế và quản lý đô thị ở các trường đại học, CĐ, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc Trung ương, Bộ, ngành và địa phương.

10. Chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức hoàn chỉnh và đồng bộ về các lĩnh vực: Chiến lược phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chiến lược phát triển các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, quy hoạch và phát triển vùng nông nghiệp chuyên môn hoá. Quy hoạch và phát triển vùng nông thôn, các địa phương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Người học sẽ được trang bị các kiến thức liên quan đến lập, thẩm định và chỉ đạo thực hiện các dự án phát triển nông thôn, các kiến thức về quản trị kinh doanh nông nghiệp, kiến thức về nông nghiệp quốc tế và xuất khẩu nông sản.

Ngành học này đòi hỏi SV phải đạt được các kỹ năng phân tích và tham gia hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, phân tích, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, quản lý trực tiếp các hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến, lưu thông và xuất khẩu nông sản.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong nông nghiệp và nông thôn, các dự án phát triển vùng, nông nghiệp của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ... Người học sau khi tốt nghiệp cũng có thể trở thành cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp và giảng dạy trong các viện nghiên cứu hoặc các trường ĐH có chuyên ngành nông nghiệp.

11. Chuyên ngành Kinh tế và quản lý địa chính

Mục tiêu đào tạo về mặt chuyên môn là đào tạo các cử nhân kinh tế được trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế và quản trị kinh doanh, chuyên sâu về khoa học kinh tế đất đai, những cơ sở khoa học và nghiệp vụ quản lý nhà nước về đất đai nhà ở có thể thực hành các nghiệp vụ quản lý Nhà nước về đất đai và nhà ở.

Các kỹ năng cần đạt được đối với người học: Phân tích và hoạch định các chính sách, pháp luật về đất đai và nhà ở, xây dựng và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, xây dựng, thẩm định các dự án đầu tư có sử dụng đất, các nghiệp vụ quản lý kinh doanh về đất đai và nhà ở, tư vấn về chính sách, luật pháp trong kinh doanh đất, nhà ở…

Sau khi tốt nghiệp có khả năng xây dựng, hoạch định các chính sách kinh tế - quản lý đất đai và nhà ở; tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tác nghiệp trong hệ thống quản lý đất đai nhà ở các cấp, cũng như việc xây dựng, quản lý các hoạt động kinh doanh về đất đai và nhà ở, có thể tham gia đảm nhiệm các công việc ở các cơ quan Chính phủ, các cơ quan Bộ, các tổ chức thuộc ngành địa chính từ Trung ương đến các cấp cơ sở, các cơ quan quản lý nhà nước, Văn phòng kiến trúc sư trưởng các cấp, các công ty xây dựng và kinh doanh nhà ở; các công ty kinh doanh và tư vấn về đất đai và nhà ở.

12. Chuyên ngành Kinh tế và quản lý công

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để SV có thể làm việc tốt ở các cơ quan quản lý khu vực công từ Trung ương tới địa phương và các đơn vị hành chính công.

Các kỹ năng yêu cầu một SV tốt nghiệp chuyên ngành này cần đạt được bao gồm: Kỹ năng giao tiếp và đàm phán trong quản lý công, kỹ năng phân tích, đánh giá, kỹ năng sử dụng các công cụ hiện đại trong quản lý công, kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra trong quản lý công, kỹ năng ra quyết định quản lý công…

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các cơ quan quản lý công từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức công, các trường, viện, trung tâm tư vấn về quản lý công…

13. Chuyên ngành Thống kê kinh tế - xã hội

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân có trình độ chuyên môn về quản lý kinh tế vi mô và vĩ mô, có kiến thức chuyên sâu về thống kê kinh tế - xã hội, có năng lực về tư vấn, tổ chức hệ thống thông tin kinh tế xã hội, tổ chức quá trình thu thập, xử lý và phân tích tổng hợp các thông tin kinh tế xã hội, lập và phân tích hệ thống tài khoản quốc gia, thực hiện so sánh quốc tế..., có khả năng soạn thảo các văn bản pháp lý về thống kê cũng như viết các báo cáo phân tích thống kê.

SV tốt nghiệp chuyên ngành Thống kê kinh tế - xã hội phải phù hợp với các chuẩn mực chung của một cử nhân thống kê của quốc gia, khu vực và quốc tế với các kỹ năng cần đạt được bao gồm:Kỹ năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thống kê - kế toán, tổ chức thông tin thống kê, xử lý số liệu và kỹ năng tư vấn, kỹ năng tổ chức thu thập, tổng hợp và phân tích số liệu thông tin kinh tế - xã hội…

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Hệ thống các cơ quan thống kê nhà nước, hệ thống các cơ quan thống kê các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu tổng hợp, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ khối kinh tế.

14. Chuyên ngành Toán kinh tế

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành này là trang bị các kiến thức và kỹ năng phân tích kinh tế định lượng, các phương pháp và công cụ xử lý dữ liệu hiện đại. Các cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Toán kinh tế có khả năng độc lập phân tích, tư vấn, hoạch định chính sách ở các phạm vi khác nhau trên cơ sở những kiến thức cập nhật về kinh tế, toán học và tin học.

Với kiến thức được trang bị khá tổng hợp, các cử nhân có khả năng thích nghi cao với thực tiễn, có nền tảng kiến thức cần thiết để tham gia các chương trình đào tạo sau ĐHtrong và ngoài nước. Người học sẽ được đào tạo các kỹ năng: Hiểu được bản chất sự vận động của nền kinh tế thị trường, các mối quan hệ kinh tế - xã hội cơ bản của nền kinh tế quốc dân, cũng như các hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng tốt trong việc mô hình hóa toán kinh tế đối với các quá trình kinh tế - xã hội, các quá trình sản xuất và hoạt động kinh doanh để hỗ trợ cho việc ra quyết định dự báo, có khả năng xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích dự báo, phân tích và xử lý dữ liệu trên máy tính nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của nền kinh tế, của các ngành và của doanh nghiệp, thực hiện các mô phỏng, dự báo, đề xuất các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các cơ quan, các viện nghiên cứu chuyên đề xuất, soạn thảo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thuộc các cấp nhà nước Trung ương và địa phương, các phòng ban chuyên về đầu tư phát triển, kinh doanh, nghiên cứu thị trường của các công ty, các công ty bảo hiểm và công ty môi giới chứng khoán. Những cử nhân tốt nghiệp loại giỏi có thể làm công tác giảng dạy ở các trường kinh tế, các khoa kinh tế của các trường kỹ thuật.

15. Chuyên ngành Toán tài chính

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân kinh tế có trình độ chuyên sâu trong nghiên cứu, phân tích, tư vấn đầu tư tài chính trên cơ sở ứng dụng các phương pháp toán học, xử lý dữ liệu và kỹ thuật tính toán hiện đại.

Cử nhân Toán tài chính không chỉ được trang bị các kiến thức cơ bản về tài chính mà còn được trang bị các kiến thức tài chính hiện đại: định giá tài sản, định giá chứng khoán phái sinh, định giá và thẩm định doanh nghiệp, quản lý danh mục đầu tư.

Các kỹ năng yêu cầu người học cần đạt được: Hiểu được bản chất sự vận động của nền kinh tế thị trường, các mối quan hệ kinh tế - xã hội cơ bản của nền kinh tế quốc dân, cũng như các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng tốt trong mô hình hóa toán học, lượng hóa đối với các quá trình kinh tế - xã hội, các quá trình sản xuất kinh doanh để hỗ trợ cho việc ra quyết định, có khả năng tốt trong định giá các tài sản tài chính, quản lý rủi ro, quản lý danh mục đầu tư, thiết lập danh mục đầu tư tối ưu., có khả năng tốt trong việc xác lập cơ sở khoa học cho việc ra các chính sách của doanh nghiệp: tái cấu trúc doanh nghiệp, huy động vốn, chính sách cổ tức, có kỹ năng tốt trong việc mô phỏng dự báo đề xuất các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các tổ chức tài chính (ngân hàng và phi ngân hàng), các công ty chứng khoán, các công ty môi giới, các công ty bảo hiểm, các công ty, các bộ phận quản lý, điều hành vốn tài chính tại các công ty, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính. Với nền tảng kiến thức vững chắc về toán cũng như về tài chính, cử nhân Toán tài chính có thể tự mình trở thành nhà buôn trên thị trường chứng khoán. Các cử nhân giỏi có thể làm công tác giảng dạy Toán tài chính ở các trường đại học, CĐ, các khoa kinh tế của các trường kỹ thuật.

NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

16. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh thương mại

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành này là đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh thương mại có tư duy kinh tế, kinh doanh tổng hợp, nắm vững các quy luật kinh tế thị trường và sản xuất, lưu thông hàng hóa theo cơ chế thị trường, năng động, sáng tạo và có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được: Biết vận dụng các kiến thức khoa học đặc biệt là khoa học kinh tế, kinh doanh trong việc xây dựng và hoạch định chiến lược, chính sách phát triển ngành thương mại và của doanh nghiệp, có hiểu biết sâu sắc về lý thuyết và thực tế hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ, thành thạo các nghiệp vụ cơ bản về quản trị và kinh doanh ở các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, có khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ, tin học và một số công cụ hiện đại khác phục vụ cho công tác chuyên môn.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại - dịch vụ ở trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý tầm vĩ mô: Các Ban trực thuộc Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, các vụ của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, các ban ngành, phòng trực thuộc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các sở..., các cơ quan quản lý tầm vi mô: Phòng kinh doanh và phòng xuất nhập khẩu tại Tổng công ty, Liên hiệp công ty, công ty và doanh nghiệp. Người học cũng có thể tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại các viện nghiên cứu và trường ĐH, CĐ. Đặc biệt, người học có thể tự tổ chức kinh doanh thương mại, dịch vụ.

17. Chuyên ngành Thương mại quốc tế

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân thương mại quốc tế có tư duy kinh tế tổng hợp và quản trị kinh doanh thương mại quốc tế, phân tích được các quy luật vận động của thị trường thế giới và khu vực. Trên cơ sở đó, có khả năng áp dụng vào thực tiễn quản trị kinh doanh thương mại quốc tế ở nước ta trong quá trình hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới và năng động, sáng tạo, có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được: Nắm vững các lý thuyết về thương mại quốc tế để hoạch định chiến lược và chính sách quản lý, kinh doanh thương mại quốc tế, nắm vững các thông tư, nghị định, chính sách kinh tế của Nhà nước, công ước, luật pháp thương mại quốc tế, thành thạo hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu như: khả năng nghiên cứu dự báo, lập kế hoạch, quản lý, bán hàng, thành thạo quy trình nghiệp vụ kinh doanh thương mại quốc tế như: đàm phán ký hợp đồng ngoại thương, tổ chức thực hiện hợp đồng ngoại thương, quản trị kinh doanh thương mại quốc tế. Đồng thời phải thông thạo từ một đến hai ngoại ngữ và sử dụng tốt công cụ tin học trong công việc.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thương mại quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan hợp tác quốc tế, tổ chức quốc tế về thương mại, giảng dạy thương mại quốc tế ở các trường ĐH, CĐ hoặc có thể tự tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu.

18. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh tổng hợp có kiến thức rộng về Kinh tế và chuyên sâu về quản trị kinh doanh, năng động, sáng tạo, có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được đối với người học: Về chuyên môn, ngoài kiến thức chung về kinh tế, SV tốt nghiệp phải có kiến thức chuyên sâu về quản trị kinh doanh (quản trị chiến lược kinh doanh, quản trị sản xuất và tiêu thụ, quản trị văn phòng, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản trị chi phí kinh doanh và quản trị tài chính...), có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và sử dụng ngoại ngữ trong quản trị và điều hành doanh nghiệp.

Cử nhân Quản trị kinh doanh tổng hợp sau khi được đào tạo có thể làm việc tại: phòng tổng hợp, trợ lý giám đốc trong doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài, phòng kế hoạch và thị trường, phòng vật tư... hoặc trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp, giảng dạy tại các trường ĐH đào tạo về kinh tế.

19. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh Bất động sản

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân ó kiến thức khoa học về quản lý, kinh doanh và nghiệp vụ quản trị kinh doanh bất động sản, có kỹ năng thực hành các tác nghiệp trong kinh doanh và quản lý bất động sản, năng động, sáng tạo và có khả năng khởi nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được sau khi được đào tạo: Xây dựng, thiết kế các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, tổ chức triển khai thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh bất động sản, tác nghiệp quản lý vận hành các công trình bất động sản, xây dựng và hoạch định các cơ chế, chính sách về kinh doanh và thị trường bất động sản.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các công ty kinh doanh địa ốc, các công ty tư vấn nhà đất, các công ty xây dựng, các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các ngân hàng, các công ty quản lý vận hành các công trình bất động sản: các tóa nhà trung tâm thương mại, văn phòng; các khách sạn; các khu chung cư cao cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước về bất động sản từ trung ương đến địa phương thuộc các ngành xây dựng, tài chính, quản lý đất đai; các văn phòng đăng ký đất đai - bất động sản, các trường ĐH, CĐ và TCCN và các viện nghiên cứu.

20. Chuyên ngành Thẩm định giá

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là trang bị cho người học một tư duy chiến lược về đánh giá giá trị trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), có kiến thức và năng lực chuyên môn cao trong lĩnh vực định giá giá trị tài sản, bất động sản và hàng hóa, nắm vững và sử dụng thành thạo các phương pháp đánh giá giá trị để xác lập và khẳng định các mức giá cho hàng hóa, dịch vụ thông thường và các bất động sản, tài sản, giá trị doanh nghiệp. Người học có thể trở thành chuyên viên và nhà quản lý về lĩnh vực định giá và thẩm định giá, có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được: Có khả năng ứng dụng lý thuyết đã được trang bị để đánh giá giá trị các tài sản, bất động sản, gía trị doanh nghiệp, dự án đầu tư và giá cả hàng hóa dịch vụ, có khả năng tư vấn một cách khách quan cho cả người bán lẫn người mua trong việc đưa ra các quyết định trong giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ thông thường cũng như các bất động sản và tài sản doanh nghiệp, có kỹ năng quản lý các hoạt động trong lĩnh vực đánh giá giá trị, thành thạo các phương pháp đánh giá giá trị để xác lập và khẳng định các mức giá trị cho các giao dịch trao đổi trong nền kinh tế thị trường.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: các cơ quan quản lý nhà nước như cục vật giá thuộc bộ tài chính, các sở tài chính trực thuộc các tỉnh, thành phố, các công ty luật, công ty tài chính và các Hội đồng trọng tài, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các liên doanh, các hiệp hội đánh giá giá trị địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, giảng dạy tại các trường ĐH khối kinh tế, các khoa kinh tế của các trường ĐH khác.

21. Chuyên ngành Quản trị quảng cáo

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân Quản trị quảng cáo có trình độ chuyên môn cao cả về lĩnh vực kinh doanh và trong ngành quảng cáo, các cử nhân sau khi ra trường thực sự là những nghệ nhân điêu luyện của nghề quảng cáo, vừa có kiến thức chung về kinh tế, marketing, vừa có kiến thức văn hóa, nghệ thuật và kỹ năng nghề nghiệp như đạo diễn và quay phim, chụp ảnh, sáng tạo kịch bản, hội họa... Người học có khả năng tự lập nghiệp

Các kỹ năng cần đạt được: Khả năng thiết kế thông điệp quảng cáo (bao gồm cả việc sáng tạo nội dung quảng cáo, thiết kế và lựa chọn các yếu tố minh hoạ, trình bày maket quảng cáo), khả năng thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, thiết kế biểu trưng logo, tạo dáng sản phẩm, lập kế hoạch quảng cáo cho các doanh nghiệp, lựa chọn và phối hợp các phương tiện truyền thông trong một chiến dịch quảng cáo, dự toán ngân sách và đánh giá hiệu quả quảng cáo...

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Tư vấn cho mọi loại hình doanh nghiệp (Nhà nước, tư nhân, liên doanh, nước ngoài...), các cơ quan truyền thông (Đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, các nhà cung cấp dịch vụ Internet...) về lĩnh vực quảng cáo, đảm nhận được các vị trí quản trị về quảng cáo trong các doanh nghiệp, trong các hãng quảng cáo cũng như trong các cơ quan truyền thông, giảng dạy môn học Quảng cáo, Marketing tại các trường ĐHvà CĐ có đào tạo về kinh tế…

22. Chuyên ngành Marketing

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo các cử nhân có kiến thức và năng lực chuyên môn sâu về lĩnh vực marketing và Quản trị kinh doanh, đảm nhiệm được các vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực marketing như: quản lý bán hàng, quản lý sản phẩm, lập kế hoạch marketing..., năng động, sáng tạo, có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm.

Các kỹ năng cần đạt được sau khi được đào tạo: Thực hiện được mọi công việc chuyên môn thuộc chức năng quản trị marketing trong các doanh nghiệp và tổ chức (cả kinh doanh và phi kinh doanh), bao gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược và kế hoạch marketing (chiến lược và kế hoạch kinh doanh), thực hiện các nghiên cứu marketing: nghiên cứu thị trường, hành vi người tiêu dùng, nghiên cứu sản phẩm, phân phối, tổ chức và quản lý hệ thống thông tin marketing phục vụ việc ra quyết định kinh doanh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới và quản lý sản phẩm trên thị trường, xây dựng và quản lý thương hiệu hàng hóa, định giá, xây dựng và thực hiện các chiến lược về giá, tổ chức và quản lý hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tổ chức và quản lý lực lượng bán hàng của doanh nghiệp, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mại, quan hệ công chúng.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp:Các phòng ban và bộ phận thuộc chức năng quản trị marketing trong các doanh nghiệp kinh doanh: phòng tiêu thụ, phòng bán hàng, phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, bộ phận nghiên cứu thị trường và bộ phận phát triển sản phẩm mới; các doanh nghiệp và tổ chức cung cấp các dịch vụ marketing chuyên môn hóa như: các công ty nghiên cứu thị trường, công ty quảng cáo, công ty tư vấn marketing; các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế và hoạch định chính sách: các bộ, cơ quan quản lý kinh tế địa phương (Marketing vĩ mô), các tổ chức phi lợi nhuận: tổ chức chính trị - xã hội.

23. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế

Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành là đào tạo các cử nhân Quản trị kinh doanh quốc tế (Quản trị kinh doanh đối ngoại) am hiểu các kiến thức cơ bản, hiện đại về quản trị kinh doanh nói chung và quản trị kinh doanh quốc tế nói riêng, có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được của người học: Tư vấn xây dựng chiến lược, các phương án kinh doanh và các tác nghiệp kinh doanh, quản lý điều hành doanh nghiệp, trước hết là ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, liên doanh với nước ngoài, các dịch vụ đối ngoại, trang bị các kiến thức nghiệp vụ về xuất, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, và các dịch vụ thu ngoại tệ như: Xây dựng chiến lược kinh doanh, nghiên cứu thị trường nước ngoài, đàm phán và ký kết hợp đồng; triển khai và hoàn tất một nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, hỗ trợ và điều hành các hoạt động thường nhật của các doanh nghiệp.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, phòng kinh doanh xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động ngoại thương, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể đảm nhiệm vai trò trợ lý văn phòng hoặc trợ lý kinh doanh trong các doanh nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài ở Việt Nam hoặc công ty Việt Nam ở nước ngoài…

24. Chuyên ngành Quản trị nhân lực

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nguồn nhân sự có chất lượng cao, am hiểu sâu chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực quản lý nguồn nhân lực, nhất là trong các doanh nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được: Có kỹ năng về phân tích, đánh giá các mặt liên quan đến quản lý nguồn nhân lực trong các tổ chức, có khả năng xây dựng và tổ chức các hoạt động lao động của một tập thể trong các doanh nghiệp, nắm chắc và vận dụng đúng đắn các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người lao động trong lĩnh vực lao động - tiền lương.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Chủ yếu làm việc ở các phòng Tổ chức Hành chính, Nhân sự, Lao động - Tiền lương trong các cơ quan doanh nghiệp. Có thể công tác tại các cơ quan Trung ương và địa phương, trong các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học và các trường ĐH, CĐ về lĩnh vực quản lý con người trong lao động.

25. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cán bộ Quản trị kinh doanh và hướng dẫn viên du lịch cho ngành du lịch nói chung và cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành nói riêng đảm bảo các yêu cầu: Có kiến thức rộng và vững chắc về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, chuyên sâu về Quản trị kinh doanh du lịch Lữ hành và hướng dẫn du lịch, năng động, sáng tạo, có khả năng tự lập nghiệp (tạo lập doanh nghiệp mới).

Các kỹ năng cần đạt được bao gồm kỹ năng kết hợp tốt lý luận và thực tiễn để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing, phân tích hoạt động kinh doanh, quản trị cơ sở vật chất - kỹ thuật trong các công ty lữ hành, công ty du lịch..., xây dựng các chương trình du lịch trong các doanh nghiệp du lịch lữ hành và dịch vụ, kỹ năng hướng dẫn du lịch theo các tuyến du lịch hoặc các khu và các điểm du lịch, kỹ năng nghiên cứu những vấn đề về kinh tế du lịch.

Tốt nghiệp ra trường SV có thể làm tại các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch quốc tế và nội địa, các văn phòng du lịch, đại lý du lịch các khu dịch vụ, vui chơi giải trí, các điểm du lịch ở trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu kinh tế nói chung, du lịch nói riêng và các trường đào tạo về du lịch, làm hướng dẫn viên du lịch cho các công ty, hãng du lịch nội địa và quốc tế

26. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành này là đào tạo cán bộ cho nền kinh tế quốc dân nói chung, ngành du lịch nói riêng có trình độ ở bậc ĐH, về chuyên môn: Có kiến thức rộng và vững chắc về quản lý Kinh tế và Quản trị kinh doanh, có kiến thức chuyên sâu về kinh tế du lịch, quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn, có khả năng tự lập nghiệp .

Các kỹ năng cần đạt được: Khả năng kết hợp tốt giữa lý luận và thực tiễn để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing, phân tích hoạt động trong kinh doanh, khả năng quản trị cơ sở vật chất - kỹ thuật, quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị marketing trong các hãng du lịch, khách sạn - nhà hàng, khả năng nghiên cứu những vấn đề về kinh tế và du lịch.

Tốt nghiệp ra trường, SV có thể làm việc tại: Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ giải trí và các doanh nghiệp dịch vụ, đặc biệt là các khách sạn quốc tế và văn phòng đại diện của các tổ chức và các cơ quan, doanh nghiệp. Ngoài ra cũng có thể làm việc ở các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu về kinh tế nói chung, du lịch nói riêng và các trường đào tạo về du lịch.

27. Chuyên ngành Quản trị chất lượng

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành này là trang bị cho SV những kiến thức về quản trị kinh doanh, quản lý Nhà nước về chất lượng, quản lý chất lượng sản phẩm ở phạm vi doanh nghiệp, bao gồm: biện pháp bảo đảm chất lượng và biện pháp quản lý chất lượng đồng bộ của doanh nghiệp.

Tốt nghiệp chuyên ngành, SV được trang bị các kỹ năng cơ bản sau: Kỹ năng dự báo và hoạch định, kỹ năng thiết kế hệ thống, kỹ năng xây dựng và ban hành các văn bản, kỹ năng điều hành, kỹ năng thống kê và kiểm soát để có thể thiết kế và triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo các chuẩn mực quốc gia và quốc tế ở các doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức liên quan.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: các phòng quản trị chất lượng, phòng kế hoạch ở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành và địa phương, đảm nhận công việc liên quan đến việc tổ chức xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ (TQM), hệ thống IS09000, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và TCCN về kinh tế.

28. Chuyên ngành Quản trị kinh doanh Công nghiệp và xây dựng

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là trang bị kiến thức cơ bản về các nội dung quản trị kinh doanh các loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, có khả năng quản trị điều hành các mặt hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trên, có kiến thức chuyên môn, phương pháp, bản lĩnh trong việc thực hiện công việc quản trị doanh nghiệp, có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được: Kỹ năng dự báo và hoạch định, kỹ năng tổ chức quá trình sản xuất kinh doanh, kỹ năng thông tin và phân tích, kỹ năng nghiên cứu định tính và định lượng, kỹ năng điều hành và kiểm tra. Các kỹ năng này được gắn kết và thể hiện qua kỹ năng viết, truyền đạt và giao tiếp.

Khi tốt nghiệp chuyên ngành này, SV có thể tham gia làm việc tại: phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, bộ phận quản trị điều hành trong các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, giao thông và bưu chính hoặc tại các tổ chức hoạt động quản lý có tính chất công nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về công nghiệp và xây dựng, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và TCCN về kinh tế.

29. Chuyên ngành Thống kê kinh doanh

Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành này là đào tạo cử nhân nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, kinh doanh có trình độ chuyên môn giỏi về quản lý kinh tế vi mô và vĩ mô, có kiến thức chuyên sâu về thống kê doanh nghiệp, có năng lực về tư vấn, tổ chức hệ thống thông tin thống kê doanh nghiệp trong phạm vi từng đơn vị sản xuất kinh doanh trên tất cả các mặt sản xuất, thị trường..., tổ chức quá trình thu thập, xử lý và phân tích tổng hợp các thông tin thông kê doanh nghiệp, có khả năng soạn thảo các văn bản báo cáo phân tích thống kê trong từng đơn vị sản xuất kinh doanh. SV tốt nghiệp chuyên ngành thống kê kinh doanh phải phù hợp với chuẩn mực chung của một cử nhân thống kê của quốc gia, khu vực và thế giới, có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng đạt được sau khi được đào tạo: Kỹ năng quản lý vi mô và vĩ mô trong lĩnh vực thống kê - kế toán, kỹ năng tổ chức và xử lý thông tin thống kê trong doanh nghiệp, kỹ năng xử lý số liệu và tư vấn cho các doanh nghiệp, kỹ năng tổ chức thu thập, xử lý và phân tích tổng hợp các thông tin thống kê doanh nghiệp, kỹ năng soạn thảo các văn bản báo cáo phân tích thống kê trong từng đơn vị sản xuất kinh doanh.

Sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại: Các đơn vị sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, CĐ khối kinh tế…

NGÀNH NGÂN HÀNG - TÀI CHÍNH

30. Chuyên ngành Ngân hàng

Mục tiêu đào tạo cử nhân ngân hàng và thị trường tài chính có kiến thức về quản lý kinh tế nói chung trong nền kinh tế thị trường, biết vận dụng tổng hợp những kiến thức kinh tế vào công tác quản lý hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, có kiến thức về hệ thống ngân hàng, cơ chế vận hành của hệ thống này.

Phải biết vận dụng những kiến thức kinh tế nói chung và kiến thức về ngân hàng - tài chính nói riêng để lập và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, nắm được những nguyên tắc cơ bản về quản trị và kinh doanh trong các tổ chức tín dụng, nắm vững công nghệ ngân hàng hiện đại, quản lý tốt các tổ chức tín dụng trong mối quan hệ tổng thể của hệ thống ngân hàng nói riêng và trong nền kinh tế nói chung.

Các kỹ năng cần đạt được: Nghiệp vụ huy động vốn của ngân hàng, nghiệp vụ quản lý khả năng thanh toán của ngân hàng, tín dụng và đầu tư của ngân hàng, nghiệp vụ kế toán, thanh toán của ngân hàng, nghiệp vụ quản lý nhà nước của ngân hàng Trung ương đối với các tổ chức tín dụng, hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng, thanh toán của ngân hàng…

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Tại các cơ quan ngân hàng nhà nước Việt Nam ở Trung ương và địa phương, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các cơ quan doanh nghiệp hoặc làm cán bộ giảng dạy về các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng tại các trường đại học, CĐ và trung học chuyên nghiệp.

31. Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Mục tiêu đào tạo cử nhân tài chính doanh nghiệp có kiến thức quản lý kinh tế nói chung trong nền kinh tế thị trường, biết vận dụng tổng hợp những kiến thức kinh tế vào công tác quản lý tài chính ở tầm vĩ mô và vi mô, có khả năng lập và chấp hành ngân sách nhà nước, chính sách tài chính quốc gia. SV tốt nghiệp sẽ nắm được những nguyên tắc cơ bản về quản lý tài chính doanh nghiệp, biết cách sử dụng tốt nhất các phương pháp quản lý tài chính doanh nghiệp trong mối quan hệ tổng thể của doanh nghiệp với nền kinh tế, biết tiếp cận với thị trường vốn và cách thức vận hành của thị trường này.

Các kỹ năng cần đạt được: Nghiệp vụ huy động vốn của doanh nghiệp, nghiệp vụ quản lý tài sản cố định, tài sản lưu động của doanh nghiệp, nghiệp vụ phân tích tài chính của doanh nghiệp, nghiệp vụ quản lý doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp, nghiệp vụ thẩm định tài chính dự án đầu tư, thành thạo các nghiệp vụ khác trong quản trị tài chính doanh nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp có thể làm công tác quản lý tài chính, kế toán ở các cấp trung ương như các Bộ, ngành tới các công ty, các doanh nghiệp, các ngân hàng, hoặc giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ.

32. Chuyên ngành Tài chính công

Mục tiêu đào tạo cử nhân ĐH chuyên ngành tài chính công có kiến thức vững về lý luận cơ bản của tiền tệ, ngân hàng và tài chính, có khả năng vân dụng kiến thức cơ bản về ngân sách nhà nước, quản lý điều hành ngân sách nhà nước, đồng thời có thể vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề liên quan đến lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, biết phân tích những tác động của thuế trên thị trường trong các trường hợp, nắm vững nội dung và các sắc luật thuế hiện hành, có khả năng quản lý, điều hành và tổ chức thực thi các luật thuế ở Việt Nam.

Các kỹ năng cần đạt được: Nghiệp vụ quản lý các nguồn thu của ngân sách nhà nước, nghiệp vụ quản lý các khoản chi của ngân sách nhà nước, nghiệp vụ cân đối ngân sách nhà nước và xử lý bội chi ngân sách nhà nước, nghiệp vụ quản lý công sản, nghiệp vụ quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, hoạch định, thực thi chính sách tài khóa, thành thạo các nghiệp vụ khác trong lĩnh vực tài chính công.

Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan quản lý thuế, nghiên cứu tư vấn các vấn đề về thuế và các công tác ở các ngân hàng, kho bạc, các cơ quan từ cấp bộ tới các công ty, các doanh nghiệp, hoặc giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ.

NGÀNH KẾ TOÁN

33. Chuyên ngành Kế toán tổng hợp

Mục tiêu đào tạo cử nhân kế toán tổng hợp có khả năng soạn thảo văn bản và tổ chức công tác kế toán, cụ thể: Có khả năng soạn thảo các văn bản pháp lý về kế toán (Luật hoặc pháp lệnh kế toán, điều lệ, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán...), xây dựng được các mô hình chung về tổ chức hạch toán ở doanh nghiệp thuộc các loại hình khác nhau cũng như mô hình cụ thể về tổ chức chứng từ kế toán, sổ sách kế toán, tổ chức hệ thống báo cáo kế toán và tài chính, có kỹ năng phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng tự lập nghiệp.

Các kỹ năng cần đạt được: Xây dựng được các mô hình chung về tổ chức hạch toán ở doanh nghiệp thuộc các loại hình khác nhau, lập chứng từ kế toán, sổ sách kế toán và tổ chức kế toán quản trị, lập và phân tích báo cáo tài chính, phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng hướng dẫn, tư vấn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp lý, các mô hình tổ chức hạch toán đã xây dựng.

Nơi làm việc sau khi tốt nghiệp: Phòng Kế toán - Tài chính, phòng Kế hoạch tiền lương tại các doanh nghiệp thuộc các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế khác nhau hoặc các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng soạn thảo văn bản pháp lý về kế toán nói riêng và về kinh tế, quản lý nói chung, các đơn vị có chức năng tổ chức, chỉ đạo công tác kế toán thuộc các cơ quan Nhà nước Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành hoặc các doanh nghiệp, các công trình, các dự án thuộc các nguồn ngân sách khác nhau và các đơn vị sự nghiệp có thu.

34. Chuyên ngành Kiểm toán

Mục tiêu đào tạo các cử nhân kiểm toán kinh tế có trình độ nghề nghiệp tương đương với chức danh kiểm toán viên đồng thời có khả năng hoạch định chính sách và tổ chức hoạt động kiểm toán thuộc các cơ quan nhà nước, các hiệp hội kế toán-kiểm toán và các tổ chức kinh tế xã hội khác; có phẩm chất chính trị tốt theo yêu cầu chung của cử nhân kinh tế và theo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán.

Kỹ năng cần đạt được: Khả năng hoạch định chính sách và tổ chức hoạt động kiểm toán thuộc các cơ quan nhà nước, các hiệp hội kế toán - kiểm toán và các tổ chức kinh tế xã hội khác, lập chứng từ kế toán, kiểm tra sổ sách báo cáo kế toán, lập báo cáo kiểm toán nội bộ, xây dựng được các mô hình chung về tổ chức kiểm toán ở doanh nghiệp thuộc các loại hình khác nhau.

Cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Kiểm toán có thể có công tác tại: cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung ương và địa phương, các công ty kiểm toán, tư vấn tài chính, các công ty kiểm soát chất lượng kiểm toán, các bộ phận làm chức năng kiểm soát nội bộ ngành và nội bộ địa phương như: thanh tra các bộ, ngành hoặc kiểm soát chuyên ngành (về tài chính), các đơn vị có chức năng kiểm tra tài chính, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, văn phòng tư vấn kế toán - kiểm toán…

NGÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ

35. Chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý

Mục tiêu đào tạo cử nhân kinh tế kiến thức cơ bản về kinh tế và quản trị kinh doanh, có trình độ chuyên môn giỏi về quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô, tổ chức thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin kinh tế - xã hội, đề xuất và kiến nghị trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp có thể làm tại các cơ quan thống kê nhà nước từ cấp huyện, tỉnh và Tổng cục Thống kê, cả các bộ, viện, các doanh nghiệp và các cơ quan trong nền kinh tế quốc dân và có thể giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ khối kinh tế.

36. Chuyên ngành Tin học kinh tế

Mục tiêu: đào tạo cử nhân ĐH tin học kinh tế có kiến thức đại cương và cơ sở vững vàng về quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế và điều khiển học… Đồng thời có kiến thức chuyên sâu về tin học quản lý và công nghệ phần mềm, phân tích, thiết kế và cài đặt các hệ thống thông tin quản lý, dõi kịp thời những tiến bộ không ngừng và nhanh chóng của công nghệ thông tin, chọn lựa và đề xuất ứng dụng những thành quả tiên tiến nhất có thể được của công nghệ thông tin để góp phần cải tổ cơ quan nhằm hoạt động có hiệu quả hơn và có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn …

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc như những cán bộ quản lý dữ liệu cho các doanh nghiệp, nói riêng, và các cơ quan, nói chung, tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc phát triển phần mềm cho các hệ thống thông tin quản lý, hoặc có thể giảng dạy Tin học trong các trường kinh tế và kinh doanh

Các kỹ năng cần đạt được đối với SV tốt nghiệp chuyên ngành Tin học kinh tế: Sử dụng thành thạo các công cụ tin học để giải quyết các bài toán kinh tế thường gặp trong quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, có kỹ năng của một phân tích viên hệ thống trong quá trình phân tích, thiết kế và cài đặt một hệ thống thông tin quản lý, có kỹ năng xây dựng và quản lý một dự án về công nghệ phần mềm.

SV tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc tại: Trung tâm tin học của các cơ quan trung ương, các bộ ngành, trung tâm tin học của ngân hàng, các công ty phần mềm Tài chính - kế toán, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế - xã hội, làm giảng viên các trường ĐH khối Kinh tế và thương mại.

NGÀNH LUẬT HỌC

37. Chuyên ngành Luật kinh doanh

Mục tiêu đào tạo đặc thù chuyên ngành là đào tạo cử nhân luật có kiến thức chuyên sâu và các kỹ năng về pháp luật kinh doanh trên thị trường trong nước và quốc tế, có kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội và quản trị kinh doanh.

Các kỹ năng cần đạt được: Thực hiện thành thạo công việc của một cán bộ pháp lý của doanh nghiệp về tư vấn, phát triển và quản lý doanh nghiệp, đàm phán, soạn thảo và ký kết các hợp đồng, phát hiện và đề xuất những tình huống pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, am hiểu các
Tài Sản của Admin
ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN Border10 ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN Border14

ĐẠI HỌC KINH TÊ QUỐC DÂN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang




Quyền của bạnVề Đầu Trang
Bạn không có quyền trả lời bài viết